Ai cũng biết kinh tế có vai trò quan trọng với một quốc gia đặc biệt là tiền tệ. Do đó, để đảm bảo sự phát triển ổn định thì Chính phủ luôn đưa ra các chính sách thích hợp và một trong số đó là chính sách tiền tệ. Vậy chính sách tiền tệ là gì và lợi ích của chúng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau.
Chính sách tiền tệ là gì?
Chính sách tiền tệ (monetary policy) là các quyết định về tiền tệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc sử dụng các công cụ của hoạt động tín dụng ngoại hối và các biện pháp để ổn định tiền tệ kéo theo sự ổn định, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương chính là cơ quan tổ chức thực hiện các chính sách tiền tệ này vì chúng sẽ tác động đến tổng cầu và sản lượng trong nước nên trở thành một công cụ ổn định kinh tế hữu hiệu của chính phủ hiện nay.
Phân loại chính sách tiền tệ
Hiện nay, chính sách tiền tệ được phân ra thành hai loại với các mục tiêu, công cụ sử dụng và phương thức hoạt động khác nhau cụ thể là:
Chính sách tiền tệ mở rộng
Chính sách tiền tệ mở rộng (chính sách tiền tệ nới lỏng) là chính sách mở rộng mức cung tiền làm cho lãi suất giảm xuống nhằm làm tăng tổng cầu. Từ đây sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động và thúc đẩy đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng thì Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện 1 trong 3 cách sau:
- Mua vào các giấy tờ có giá trên thị trường chứng khoán
- Hạ thấp mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc
- Hạ thấp mức lãi suất chiết khấu trên thị trường.
Chính sách tiền tệ mở rộng được áp dụng trong điều kiện nền kinh tế của một quốc gia đang bị suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hay còn gọi là chính sách tác động gia tăng việc làm.
Chính sách tiền tệ thu hẹp
Chính sách tiền tệ thu hẹp (chính sách tiền tệ thắt chặt) là chính sách giảm bớt mức cung tiền làm cho lãi suất tăng lên nhằm thu hẹp tổng cầu và làm mức giá chung giảm xuống.
Để thực hiện chính sách tiền tệ này, Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện các cách sau:
- Bán ra các giấy tờ có giá trên thị trường chứng khoán
- Tăng mức dự trữ bắt buộc
- Tăng mức lãi suất chiết khấu nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng.
Chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng khi nền kinh tế của một quốc gia đang có sự lạm phát ngày càng gia tăng nhằm kiểm soát lạm phát hợp lý hay còn gọi là khống chế sự lạm phát.
Vai trò của chính sách tiền tệ với nền kinh tế
Với sự quan trọng của mình thì chính sách tiền tệ có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế? Bạn có thể tham khảo một số vai trò chính của các chính sách tiền tệ dưới đây:
- Giúp cân bằng tổng cầu so với tổng cung trong nền kinh tế thông qua các chỉ tiêu về tổng sản phẩm quốc nội để giữ tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở mức kiểm soát.
- Giúp ổn định thị trường lãi suất và thị trường ngoại hối, tiền tệ của nền kinh tế trong nước.
- Ổn định sức mua của đồng tiền nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nước.
- Tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp cho nhiều người lao động.
- Tác động trực tiếp vào hệ thống lưu thông tiền tệ quốc gia với có sự liên kết và mối quan hệ chặt chẽ của các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhau như chính sách tài khoá, chính sách kinh tế đối ngoại, chính sách thu nhập…
Đặc điểm của chính sách tiền tệ
Để giúp bạn dễ dàng nhận biết cùng như phân biệt được chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác thì một chính sách tiền tệ sẽ bao gồm các đặc điểm như sau:
- Tín dụng được thắt chặt hoặc nới lỏng và quá trình này được biết đến như rút hoặc cung ứng nguồn dự trữ cho nền kinh tế nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các ngân hàng đáp ứng các yêu cầu tín dụng.
- Bao gồm sự kiểm soát và sự điều chỉnh về các chi phí tín dụng khác như kiểm soát các bảo chứng đối với những chứng khoán được mua thông qua môi giới ở các sàn OTC.
Chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu gì?
Vậy chính sách tiền tệ được ra đời nhằm hướng đến những mục tiêu gì? Vai trò to lớn của chính sách tiền tệ đối với sự phát triển của một quốc gia là điều hiển nhiên nhưng bạn có biết chúng được sử dụng để thực hiện những mục đích gì không?
Kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền
Thông qua Chính sách tiền tệ thì Chính phủ có thể tác động đến sự tăng hay giảm giá trị đồng tiền trong nước từ việc xem xét trên sức mua đối nội của đồng tiền và sức mua đối ngoại của chúng.
Chính sách tiền tệ được định hướng nhằm ổn định giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát ở một tỷ lệ hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước.
Tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp
Mỗi chính sách tiền tệ được ban hành đều có ảnh hưởng trực tiếp tới việc sử dụng các nguồn lực xã hội cũng như quy mô sản xuất kinh doanh nên chúng có ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế.
Việc sử dụng kết hợp hiệu quả các công cụ tiền tệ sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đồng thời khống chế tỷ lệ lạm phát.
Tăng trưởng kinh tế
Để giữ cho nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định thì chính sách tiền tệ đã được ban hành sử dụng thông qua việc điều chỉnh khối lượng cung tiền để tác động đến lãi suất và tổng cầu. Từ đó gia tăng đầu tư, tăng sản lượng và tăng GDP cho nền kinh tế quốc gia.
Các công cụ của chính sách tiền tệ
Và để có thể tăng hiệu quả trong việc sử dụng và điều hành các chính sách tiền tệ một cách tốt nhất thì Nhà nước sử dụng một số công cụ tài chính hỗ trợ như sau:
Công cụ tái cấp vốn
Đây là hình thức Ngân hàng Nhà nước cấp tín dụng cho các Ngân hàng thương mại thông qua việc mua bán các giấy tờ có giá. Từ đó cung cấp nguồn vốn ngắn hạn để tạo bút tệ và khai thông tính thanh khoản cho các Ngân hàng thương mại và cũng tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế.
Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Là một tỷ lệ lượng tiền được quy định phải giữ lại so với lượng tiền gửi huy động và phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước nhằm điều chỉnh khả năng cho vay của các Ngân hàng thương mại cũng như điều chỉnh mức cung tiền cho nền kinh tế.
Công cụ nghiệp vụ thị trường mở
Là hình thức Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua hoặc bán các loại giấy tờ có giá trên thị trường mở nhằm tác động đến lượng dự trữ của các Ngân hàng thương mại để điều chỉnh lượng cung tiền của nền kinh tế và cung ứng tín dụng của họ đối với thị trường.
Công cụ lãi suất tín dụng
Lãi suất tín dụng là một công cụ gián tiếp được ngân hàng Nhà nước quy định. Bởi vì chúng không trực tiếp tác động đến cung cầu tiền tệ mà được sử dụng để kích thích hay kìm hãm quá trình sản xuất nhằm điều tiết lãi suất trên thị trường tiền tệ trong từng thời kỳ nhất định.
Công cụ hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa mà Ngân hàng Trung ương quy định bắt buộc các Ngân hàng thương mại phải chấp hành khi thực hiện cấp tín dụng nhằm trực tiếp khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của các tổ chức trên đối với nền kinh tế.
Ở Việt Nam, chính sách tiền tệ có tác động như nào?
Chính sách tiền tệ tại Việt Nam ngoài vai trò quan trọng trong việc điều tiết và kiểm soát lượng tiền tệ lưu thông thì còn có ý nghĩa tác động tới bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.
Cụ thể chính sách này có thể thực hiện được các mục tiêu như kiểm soát tỷ lệ lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bình ổn giá thị trường và ổn định sức mua của đồng tiền để từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ví dụ Từ tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 thì Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cắt giảm lãi suất để giảm gánh nặng tài chính cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, còn thực hiện tái cấp vốn để người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động.
Trên đây là toàn bộ các thông tin chi tiết và tổng quan về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ bạn trả lời cho câu hỏi chính sách tiền tệ là gì một cách chính xác nhất. Hy vọng với những thông tin được cung cấp trên sẽ giúp bạn hiểu và cập nhật thêm kiến thức mới cho bản thân mình nhé.