Bao thanh toán là nghiệp vụ tài chính được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay. Tuy nhiên bao thanh toán là gì? Và những lợi ích nó mang lại thì không phải ai cũng biết được. Chính vì thế hôm nay chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Khái niệm bao thanh toán là gì?
Bao thanh toán có thể hiểu đơn giản là một trong những hình thức cấp tín dụng do ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp bằng việc mua lại những khoản phải thu xuất phát từ hoạt động sản xuất, mua, bán hàng hóa.
Quyền và nghĩa vụ của các bên được thỏa thuận cụ thể và đầy đủ trong hợp đồng. Như vậy ngân hàng và các tổ chức tín dụng là bên bao thanh toán, cung cấp nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và phát triển.
Có những loại hình bao thanh toán nào?
Theo như thông tư số 02/2017/TT-NHNN quy định thì sẽ có 4 loại hình bao thanh toán:
- Bao thanh toán bên bán hàng là việc bên bao thanh toán(ngân hàng & các tổ chức tín dụng) mua lại có quyền truy đòi những khoản phải thu khách hàng (của bên bán hàng) bằng cách ứng trước tiền để được nhận quyền và lợi ích theo đúng quy định của luật pháp liên quan đến khoản phải thu như thỏa thuận.
- Bao thanh toán bên mua hàng là việc bên bao thanh toán mua lại có quyền truy đòi những khoản phải trả của khách hàng bằng cách ứng trước tiền thanh toán cho bên bán. Và tiền ứng trước cho bên bán sẽ được hoàn lại khi bên mua trả tiền. Lợi nhuận và phí theo thỏa thuận.
- Bao thanh toán trong nước là việc ngân hàng bao thanh toán dựa trên hợp đồng thương mại. Các bên tham gia hợp đồng đều cư trú trong nước.
- Bao thanh toán quốc tế là việc ngân hàng bao thanh toán dựa trên hợp đồng thương mại quốc tế. Trong đó bên có một bên tham gia hợp đồng thương mại đó ở trong nước. Thường thì đó là các hoạt động xuất nhập khẩu.
Các hình thức bao thanh toán là gì?
Hiện nay có khá nhiều hình thức bao thanh toán. Và sau đây sẽ là một vài hình thức bao thanh toán cơ bản.
Bao thanh toán theo món
Bao thanh toán theo món là việc ngân hàng sẽ chia khoản tiền phải thu thành từng các phần nhỏ. Và với từng phần đó sẽ cần đến một hợp đồng tín dụng riêng biệt. Hình thức bao thành toán này giúp bên bao thanh toán dễ dàng quản lý và thu hồi tiền.
Bao thanh toán theo hạn mức
Bao thanh toán hạn mức là việc ngân hàng cung cấp cho bên bán hàng một khoản tiền bao thanh toán ước định trong khoảng thời gian cụ thể. Như vậy, tổng số tiền bao thanh toán với bên bán hàng sẽ không thể vượt quá định mức này.
Khi đó, sau mỗi lần ứng tiền bao thanh toán trước, đơn vị bán hàng sẽ cần phải ký giấy nhận nợ tương ứng với ngân hàng.
Đồng bao thanh toán
Đồng bao thanh toán là việc các ngân hàng hay tổ chức tín dụng cùng đứng ra bao thanh toán cho một hợp đồng nào đó. Trong đó có một tổ chức tín dụng hay ngân hàng sẽ là trung gian thực hiện tổ chức bao thanh toán cho hợp đồng đó. Hình thức này sẽ áp dụng cho những hợp đồng lớn, có giá trị cao.
Bao thanh toán có lợi ích như thế nào?
Bao thanh toán có rất nhiều lợi ích. Và đó là những lợi ích gì các bạn sẽ được biết ngay sau đây.
Đối với người mua
Với người mua, việc bao thanh toán đem đến những lợi ích sau đây:
- Không mất bất cứ một khoản phí nào về bao thanh toán.
- Người mua không cần phải trả tiền ngay mà vẫn có hàng hóa để sử dụng trước. Bên mua chỉ cần trả tiền khi mà sản phẩm đáp ứng yêu cầu đã đặt ra trong hợp đồng.
- Việc thanh toán vô cùng linh hoạt bằng cả nội, ngoại tệ.
Đối với người bán
Với người bán, việc bao thanh toán đem đến những lợi ích sau đây:
- Việc thanh toán trở nên linh hoạt dễ dàng, điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh.
- Ngân hàng bao thanh toán sẽ giúp người mua hạn chế được rủi ro về tín dụng.
- Bằng việc sử dụng dịch vụ bao thanh toán, các công ty và doanh nghiệp có thể biết được về khả năng tín dụng và điều kiện của từng khách hàng của mình.
- Nhờ có dịch vụ này mà các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí thu hồi nợ và quản lý.
Quy định về bao thanh toán tại Việt Nam
Sau đây là một vài quy định về bao thanh toán ở nước ta, các bạn cần ghi nhớ để áp dụng cho hiệu quả nhé.
Điều kiện bao thanh toán
Điều kiện về bao thanh toán sẽ có sự khác biệt giữa người cư trú và người nước ngoài. Sau đây là điều kiện dành riêng cho từng đối tượng khách hàng.
Đối với khách hàng là người cư trú:
- Nếu là doanh nghiệp, công ty phải có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực hành vi dân sự theo pháp luật
- Còn nếu khách hàng là cá nhân 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp, khách hàng từ đủ 15 – 18 tuổi thì phải không bị hạn chế năng lực dân sự.
- Việc ứng tiền bao thanh toán phải có mục đích hợp pháp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Bên sử dụng dịch vụ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đồng thời đưa được ra phương án sử dụng vốn ứng 1 cách hiệu quả.
Đối với khách hàng là người nước ngoài:
- Khách hàng sử dụng dịch vụ bao thanh toán phải là tổ chức, doanh nghiệp.
- Việc sử dụng tiền ứng bao thanh toán của khách hàng phải hợp pháp và phục vụ cho hoạt động SX-KD.
- Tổ chức sử dụng dịch vụ phải có khả năng trả nợ và có phương án sử dụng vốn hợp lý.
- Nếu khách hàng là bên nhập khẩu thì cần phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ở nước ngoài nhưng có vốn góp của doanh nghiệp VN.
- 100% giá trị của khoản tiền mà khách hàng phải trả đều được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh đối ứng, bảo hiểm bởi một bên thứ ba.
Thời hạn bao thanh toán
Thời hạn bao thanh toán theo Khoản 14 Điều 3 TT 02/2017/TT-NHNN là khoảng thời gian được tính từ ngày kế tiếp của ngày đơn vị bao thanh toán ứng trước số tiền đầu tiên cho tới khi nợ và lãi bao thanh toán được trả hết theo như quy định của hợp đồng.
Nếu ngày cuối cùng trong thời gian bao thanh toán trùng với ngày nghỉ thì sẽ được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ. Lưu ý nếu bao thanh toán không đủ 1 ngày thì sẽ được xác định về thời điểm bắt đầu.
Chi phí bao thanh toán
Chi phí bao thanh toán là khoản tiền mà ngân hàng hay tổ chức tín dụng bao thanh toán nhận được thông qua việc bao thanh toán. Nó được quy định cụ thể tại Điều 9 TT 02/2017/tt-NHNN. Chi phí bao thanh toán sẽ bao gồm lãi suất và chi phí bao thanh toán như thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ.
Nếu đến thời hạn trả nợ, lãi bao thanh toán mà khách hàng sử dụng dịch vụ không thanh toán được cho bên bao thanh toán, khách hàng sẽ phải trả lãi:
- Lãi trên khoản nợ này phải theo lãi suất bao thanh toán đã được 2 bên thỏa thuận trước đó ứng với thời hạn bao thanh toán tới hạn chưa trả.
- Nếu như khách hàng vẫn không thanh toán đúng hạn trả như quy định trên thì khách hàng phải trả lãi chậm như lãi suất đã được ký kết trước đó nhưng không được vượt quá 10%/năm trên số dư lãi chậm trả ứng với thời hạn chưa thanh toán.
- Nếu nợ bao thanh toán bị quá hạn trả, khách hàng phải trả lãi dựa trên số tiền nợ bao thanh toán quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả. Mức lãi suất sẽ không quá 150% so với thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Quy trình bao thanh toán
Sau đây là quy trình sử dụng dịch vụ bao thanh toán. Các bạn ghi nhớ để sử dụng dịch vụ này tốt nhất nhé.
Bước 1: Thẩm định hồ sơ và ký hợp đồng bao thanh toán
Đây là bước đầu tiên của quy trình bao thanh toán. Ở bước này các bạn cần chú ý những điều quan trọng dưới đây:
- Ở bước này, khách hàng chuẩn bị ký kết hợp đồng mua bán có thể đồng thời tiến hành làm các thủ tục xin tài trợ bao thanh toán.
- Khách hàng có thể hồ sơ theo mẫu và gửi cho ngân hàng mà mình mong muốn được bao thanh toán. Kèm theo đơn xin tài trợ tài chính là 1 số loại giấy tờ cần thiết như: hợp đồng mua bán, tên, địa chỉ của các bên liên…
- Khi nhận được hồ sơ xin bao thanh toán từ phía khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ, bên bao thanh toán sẽ thẩm duyệt hồ sơ.
- Hồ sơ hợp lệ thì hợp đồng bao thanh toán sẽ được ký.
Bước 2: Bên bán thực hiện hợp đồng
Sau khi hợp đồng dịch vụ bao thanh toán đã được ký, bên bán tiến hành gửi hàng cho bên mua theo như thỏa thuận trước đó.
Bước 3: Bên bán nộp chứng từ xin tài trợ bao thanh toán
Ở bước này, bên bán sẽ gửi các chứng từ, hóa đơn cùng với giấy tờ chuyển nhượng nợ cho bên ngân hàng bao thanh toán.
Bước 4: Thẩm định và thực hiện tài trợ
Ở bước tiếp theo nay, bên bao thanh toán sẽ tiến hành thẩm định các chứng từ, hóa đơn do khách hàng gửi. Nếu kết quả thẩm định chính xác thì bên bao thanh toán chuyển tiền tài trợ cho khách hàng cùng văn bản kèm theo.
Bước 5: Hoàn tất quy trình
Đến kỳ hạn thanh toán thì bên ngân hàng bao thanh toán sẽ gửi yêu cầu thanh toán cho bên mua. Lúc này, bên mua sẽ có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền trong chứng từ cho ngân hàng – bên bao thanh toán. Cuối cùng đơn vị bao thanh toán sẽ xác nhận số tiền và hoàn tất quy trình.
Lời kết: Trên đây là một số thông tin về bao thanh toán. Hy vọng bài viết đã đem đến cho các bạn những điều hữu ích. Nếu cần tư vấn hãy inbox cho chúng tôi để được giải đáp trong thời gian sớm nhất.